Tin Bộ Tài chính
Mô hình ứng dụng CNTT nào phục vụ quản lý ngân sách thống nhất?
29/07/2019 03:37:54

Định hướng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tài chính là tăng cường sử dụng chung các hệ thống Bộ Tài chính triển khai cho cơ quan tài chính địa phương. Các đơn vị đã tự triển khai cơ sở dữ liệu hoặc ứng dụng nằm trong danh mục ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Tài chính cần nghiên cứu, chuyển đổi sang dùng cơ sở dữ liệu hoặc ứng dụng toàn ngành hoặc tiến hành tích hợp và đồng bộ. Bám sát định hướng trên, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đã đề xuất phương án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin liên kết Bộ Tài chính với các cơ quan tài chính địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 

Mối quan hệ giữa trung ương và địa phương trong quản lý ngân sách

Theo Cục Tin học và Thống kê tài chính trong quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách giữa Bộ Tài chính và cơ quan tài chính địa phương có mối quan hệ trong các khâu sau: Lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; chấp hành ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; quan hệ trong lĩnh vực quản lý nợ công; quản lý quản lý tài sản công…    

Lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm: Hàng năm, cơ quan tài chính các cấp ở địa phương xem xét dự toán ngân sách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp, dự toán ngân sách địa phương cấp dưới; chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan trong việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình.

UBND các cấp tổng hợp, lập dự toán ngân sách địa phương báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) cùng cấp xem xét, cho ý kiến. Sau khi dự toán ngân sách đã được HĐND cấp tỉnh quyết định, UBND cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan theo quy định.

Trong khâu chấp hành ngân sách nhà nước: Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương định kỳ báo cáo UBND cùng cấp và các cơ quan có liên quan về việc thực hiện thu, chi ngân sách địa phương. UBND cấp dưới định kỳ báo cáo cơ quan tài chính cấp trên về thực hiện thu, chi ngân sách địa phương. UBND cấp tỉnh định kỳ báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tình hình thực hiện thu, chi ngân sách địa phương để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ.

Trong khâu quyết toán ngân sách nhà nước: Trên cơ sở báo cáo của Kho bạc Nhà nước, kết quả xét duyệt, thẩm định đối với quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán cấp I thuộc cấp mình và báo cáo quyết toán ngân sách cấp dưới đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn, cơ quan tài chính ở địa phương tổng hợp, lập quyết toán ngân sách địa phương trình UBND cùng cấp.

Sau khi HĐND cấp tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ và gửi Kiểm toán Nhà nước.

Mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý quản lý nợ công: Lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, 03 năm, hàng năm. Huy động vốn (phát hành trái phiếu, vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vay trong nước). Sử dụng vốn (bù đắp bội chi, trả nợ gốc đến hạn, đầu tư phát triển). Trả nợ vốn vay. UBND cấp tỉnh chỉ đạo sở tài chính chủ trì xây dựng kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương, trình HĐND cùng cấp cho ý kiến, sau đó gửi Bộ Tài chính tổng hợp vào kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định. Trong đó nợ chính quyền địa phương gồm có nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; nợ vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), vay ngân quỹ nhà nước, vay quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh (đối với một số địa phương được phép vay) và vay khác theo quy định của pháp luật.

Sở tài chính theo dõi kế hoạch vay trả nợ, giám sát an toàn nợ công; quản lý các khoản vay, sử dụng vốn của Chính phủ; quản lý bảo lãnh của Chính phủ; báo cáo Bộ Tài chính.

Mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý quản lý tài sản công: Nhiệm vụ quản lý tài sản công của Bộ Tài chính, UBND các cấp. Báo cáo biến động tài sản hàng năm. Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài sản công.

Mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý giá: Quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá (bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ); hoạt động định giá; xây dựng CSDL quốc gia về giá. Giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, giá kê khai hàng hóa thuộc danh mục kê khai, giá thị trường hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp đăng ký, kê khai giá.

Mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý đầu tư: Cấp mã số có quan hệ với ngân sách cho các dự án đầu tư; quản lý kế hoạch vốn; quản lý hồ sơ dự án; kiểm soát thanh toán; quyết toán niên độ ngân sách; quyết toán dự án hoàn thành.

Mối quan hệ trong lĩnh vực thống kê: Công tác xây dựng và quản lý các bảng danh mục, bảng phân loại thống kê. Về tình hình thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê: tại Bộ Tài chính và các sở tài chính.

Hiện trạng các ứng dụng triển khai tại Bộ Tài chính và cơ quan tài chính địa phương

Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai 04 phần mềm và được đa số các cơ quan tài chính khai thác, đó là: Phần mềm quản lý ngân sách nhà nước; hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc; phần mềm quản lý, đăng ký tài sản nhà nước; phần mềm cấp mã đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với lĩnh vực kế toán ngân sách và kho bạc bao gồm 2 phần mềm chính: Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc và phần mềm quản lý ngân sách.

Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đã được triển khai áp dụng ổn định từ năm 2012 tại các cơ quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai thành công hệ thống TABMIS góp phần nâng cao tính minh bạch trong thực hiện kế toán thu-chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc phân tích các báo cáo theo yêu cầu đặc thù của cơ quan tài chính địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đặc biệt trong công tác tổng hợp quyết toán ngân sách.

Phần mềm Quản lý ngân sách (QLNS): Đây là phần mềm duy nhất của Bộ Tài chính triển khai cho cơ quan tài chính địa phương phục vụ công tác tổng hợp quyết toán. Tuy nhiên do phân cấp ngân sách nên nhiều cơ quan tài chính địa phương đã đầu tư để sử dụng phần mềm riêng nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu theo quy định, gây khó khăn cho việc tổng hợp quyết toán tại Bộ Tài chính.

Về lĩnh vực quản lý tài sản: Hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai 2 phần mềm: phần mềm đăng ký tài sản và phần mềm quản lý tài sản nhà nước. Đối với phần mềm đăng ký tài sản: Các địa phương bắt buộc phải nhập số liệu đối với các tài sản trên 500 triệu đồng, Bộ Tài chính có thể tự tổng hợp số liệu và báo cáo khi cần

Đối với phần mềm quản lý tài sản nhà nước: Tính chất không bắt buộc nên chỉ có một số cơ quan tài chính triển khai, do đó nguồn số liệu không được tập trung không đầy đủ, gây khó khăn trong công tác tổng hợp báo cáo.

Về lĩnh vực đầu tư: Bộ Tài chính đã có kế hoạch giao Kho bạc Nhà nước đã chủ trì thực hiện khảo sát, phân tích, lập báo cáo thiết kế cơ sở và đã được phê duyệt dự án vào tháng 6/2015, công tác thực hiện đầu tư sẽ thực hiện trong năm 2016, tuy nhiên đến nay việc quản lý nguồn vốn đầu tư công trình xây dựng cơ bản của cơ quan tài chính địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, đa số các địa phương tự theo dõi thủ công trên file excel.

Theo Cục Tin học và Thống kê tài chính trong việc triển khai hệ thống thông tin/phần mềm tại các cơ quan tài chính địa phương có một số tồn tại sau: Sự không đồng bộ trong khai thác sử dụng các phần mềm do Bộ Tài chính triển khai (chạy trên hạ tầng kỹ thuật công nghệ thống nhất ngành Tài chính) và các hệ thống phần mềm do UBND tỉnh/sở tài chính tự triển khai (chạy trên hạ tầng riêng của tỉnh). Việc này đòi hỏi phải có quy hoạch về mô hình triển khai, mô hình tích hợp nhằm đảm bảo khai thác đối đa hiệu quả của các hệ thống phần mềm do cơ quan tài chính địa phương triển khai và phần mềm do Bộ Tài chính triển khai. Đối với các hệ thống phần mềm do Bộ Tài chính triển khai, ngoài các báo cáo thống kê theo chế độ báo cáo, cơ quan tài chính địa phương theo yêu cầu quản lý đặc thù cần có các báo cáo phân tích chuyên đề phục vụ công tác quản lý, điều hành tài chính – ngân sách theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Do vậy, cần nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng đảm bảo tính mở, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Hiện trạng về hạ tâng kỹ thuật công nghệ

Cục Tin học và Thống kê cho biết, máy chủ của sở tài chính chủ yếu sử dụng hệ điều hành Windows Server phiên bản 2003 đã lạc hậu, vì vậy cần nâng cấp đồng bộ với thiết bị phần cứng và đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm ứng dụng. Bên cạnh đó, mô hình mạng tại sở tài chính, phòng tài chính kế hoạch mới chỉ đáp ứng yêu cầu kết nối mạng, chưa đảm bảo về bảo mật. Hệ thống mạng LAN tại sở tài chính, phòng tài chính kế hoạch không có sự kiểm soát giữa các vùng mạng, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus giữa máy tính để bàn của người sử dụng với hệ thống máy chủ. Vùng mạng nội bộ với vùng internet chưa được kiểm soát ra/vào, dẫn đến nguy cơ bị tấn công DDOS, virus. Đặc biệt từ tháng 10/2016, Bộ Tài chính chính thức ngừng cung cấp bản quyền phần mềm diệt virus cho các đơn vị do vậy cơ quan tài chính địa phương phải chủ động trang bị, thậm chí có những tỉnh không sử dụng phần mềm.

Ngoài ra, sở tài chính, phòng tài chính kế hoạch chưa có hệ thống sao lưu, lưu trữ dữ liệu tập trung, hiện tại dữ liệu được lưu trên các máy chủ. Trường hợp máy chủ bị hỏng, nguy cơ dữ liệu bị mất cao, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động liên tục của các phần mềm ứng dụng.

Các đơn vị tài chính địa phương có mức triển khai CNTT thấp nhất trong các hệ thống, từ đầu tư ứng dụng CNTT, nhân lực; đây cũng là mảng yếu nhất trong triển khai CNTT của ngành.

Để khắc phục được những tồn tại nêu trên, đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật CNTT của sở tài chính cần được nâng cấp theo mô hình các lớp, chia mạng thành các vùng để thiết lập chính sách an ninh cho các ứng dụng, triển khai đảm bảo cho ứng dụng hoạt động liên tục, không bị gián đoạn.

Nhiều cán bộ làm công tác tin học tại các sở tài chính là cán bộ nghiệp vụ kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển công tác nên việc đào tạo, nâng cao trình độ về CNTT khó khăn. Hiện nay, chỉ có khoảng 33/63 sở tài chính có phòng tin học và thống kê, ở các đơn vị còn lại chỉ có các cán bộ kiêm nhiệm. Việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng tin học và thống kê tại sở tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 220/2015/TTLT-BTC-BNV ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở tài chính thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng tài chính – kế hoạch thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đang trong giai đoạn kiện toàn về tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT, thống kê.

Việc đào tạo của Bộ Tài chính cho các sở tài chính về quản trị, vận hành hệ thống CNTT chưa liên tục do Bộ Tài chính không được bố trí ngân sách theo  quy đinh của Luật Ngân sách, các sở tài chính tự chủ động đào tạo nên trình độ chuyên môn không được đồng đều. Các cán bộ CNTT chưa được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời về kiến thức, nghiệp vụ tài chính.

Lựa chọn mô hình ứng dụng CNTT 

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại hiệu quả, hiệu lực cao trong hoạt động quản lý của ngành Tài chính, ngày 09/3/2018 Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách với mục tiêu “Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”.

Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ cũng xác định các mục tiêu cụ thể ngành Tài chính cần đạt được đến năm 2025 tăng cường sử dụng chung các hệ thống Bộ Tài chính triển khai cho cơ quan tài chính địa phương.

Để triển khai Nghị quyết số 02, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã đề xuất phương án: Bộ Tài chính sẽ xây dựng phần mềm tích hợp tài chính có khả năng thay thế phần mềm địa phương và có khả năng tích hợp dữ liệu với phần mềm địa phương. Tạo hệ thống tích hợp dữ liệu 06 lĩnh vực và tích hợp với các dữ liệu của địa phương thông qua mô hình data warehouse. Dựa trên các phần mềm địa phương đã sẵn có, nhân rộng mô hình phần mềm địa phương và tạo chuẩn, các API để tích hợp. Tích hợp phần mềm quản lý điều hành của Bộ Tài chính với phần mềm tích hợp tài chính.

Địa phương sử dụng song song phần mềm đã có và chuyển sang các phần mềm do Bộ Tài chính cung cấp khi sẵn sàng. Đấu nối các phần mềm đã có sang hệ thống tích hợp dữ liệu của Bộ Tài chính. Đấu nối các phần mềm đã có sang hệ thống quản lý văn bản điều hành.

Sở dĩ Cục Tin học và Thống kê tài chính chọn phương án trên vì: Đối với các địa phương chưa có phần mềm thì sử dụng ngay phần mềm của Bộ Tài chính xây dựng giúp tránh đầu tư lãng phí, dàn trải và kém hiệu quả tại các địa phương. Đối với các địa phương đã xây dựng phần mềm và sử dụng hiệu quả thì có thể đấu nối với hệ thống của Bộ Tài chính giúp duy trì hiệu quả đang có và tận dụng dữ liệu đang lưu trữ.

Đối với các địa phương đã xây dựng phần mềm nhưng sử dụng không hiệu quả thì dần chuyển sang phần mềm do Bộ Tài chính triển khai để đồng bộ và phát huy hiệu quả sử dụng. Phần mềm do Bộ Tài chính xây dựng có tính chuyên môn cao, có sự liên kết chặt chẽ giữa quy trình với đối tượng cần quản lý, đặc biệt việc thực hiện và quản lý giữa các địa phương với Bộ Tài chính có sự đồng bộ thống nhất trong mọi nghiệp vụ phát sinh.Việc sử dụng ngay phần mềm của Bộ Tài chính hay kết nối với hệ thống của Bộ Tài chính có tính khả thi và sử dụng ngay, không cần đầu tư nhiều về kinh phí cũng như nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cũng như sẵn sàng cao cho việc chuyển dần sang mô hình tập trung trong tương lai.

                                                                                                                  Nguồn: www.taichinhdientu.vn
Các tin mới hơn
Thu NSNN 8 tháng đạt 69,4% dự toán(11/09/2023)
Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu xếp hạng chuyển đổi số DTI 2021(09/08/2022)
Thu NSNN 10 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán (05/11/2021)
Ngành Tài chính thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh(13/09/2021)
8 tháng năm 2021: Thu ngân sách ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng(09/09/2021)
Các tin cũ hơn
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019(12/07/2019)
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019(12/07/2019)
Cân đối NSNN 5 tháng bội thu(11/06/2019)
Đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập(30/05/2019)
Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017(23/05/2019)
Thông báo
  Quyết định số 1365/QĐ-STC ngày 12 tháng 4 năm 2024 của Sở Tài chính Hải Dương Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu, chi NSNN Quý I năm 2024.
  Quyết định số 679/QĐ-STC ngày 28 tháng 2 năm 2024 của Sở Tài chính Hải Dương Về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu, chi NSNN năm 2023.
  Quyết định số 880/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2024 của UBND tỉnh Hải Dương Về việc công bố DM TTHC và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Tài chính.
  THÔNG BÁO:Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
  Quyết định số 705/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2024 của UBND tỉnh Hải Dương Về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
  Thông báo thời gian làm việc mùa hè:
Lịch làm việc
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na